BÀI HỌC CHO DOANH NGHIỆP TỪ MỘT VỤ ÁN LAO ĐỘNG

30/09/2017 09:57

Hiện nay, không ít các doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động. Khi người lao động khởi kiện, doanh nghiệp không những phải bồi thường thiệt hại mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu. 



Ngày 25/8/2017 vừa qua, Luật sư Vũ Như Hảo đã tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lao động “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa Người lao động - ông Alparslan Murat (Nguyên đơn) và Người sử dụng lao động - Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (Công ty - Bị đơn). Có thể xem đây là vụ án điển hình cho vấn đề nêu trên. Do vậy, chúng tôi xin tường thuật đồng thời rút ra những bài học bổ ích cho doanh nghiệp trong việc xử lý các tranh chấp lao động.

I - NỘI DUNG VÀ DIỄN BIẾN PHIÊN TÒA 

Ông Alparslan Murat ký với Công ty một hợp đồng lao động xác định thời hạn số 63/HĐLĐNN-ANEXVN. Hợp đồng vẫn đang được hai bên thực hiện thì đột ngột ông Murat nhận được “Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động” từ trưởng phòng Nhân sự với lý do: "không tuân thủ quy định của Công ty và quyết định của cấp quản lý trực tiếp, vi phạm tiếp diễn nhiều lần, không quẹt thẻ chấm công, không hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của quản lý trực tiếp". Một ngày sau khi nhận quyết định nói trên, ông Murat bị cấm không được vào nơi làm việc. Trước cú "sốc" này, ông Murat phải nhập viện ngay sau đó để điều trị bệnh “rối loạn lo âu”. 

Cho rằng mình bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, ông Murat đã khởi kiện Công ty tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu hủy Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động, nhận ông Murat trở lại làm việc và bồi thường các khoản: tiền lương, tiền BHXH, BHYT trong những ngày ông không được làm việc; bồi thường 02 tháng tiền lương; tổng cộng là 21.175 USD. Trong trường hợp Công ty không nhận ông Murat quay trở lại làm việc thì tổng số tiền bồi thường là 38.014 USD. 

Trong quá trình tố tụng tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, phía Công ty cho rằng Quyết định do ông Murat giao nộp tại Tòa án không có giá trị pháp lý và không phải do Công ty ban hành. Thay vào đó, Công ty đã cung cấp Quyết định số 01/2017/QĐ về việc cho ông Alparslan Murat thôi việc vì lý do tổ chức lại Công ty. Trên thực tế, Quyết định đã không được giao cho ông Murat và sau khi ban hành Quyết định này, Công ty cũng đã không chi trả khoản tiền trợ cấp mất việc làm. 

Tại phiên tòa, Luật sư Vũ Như Hảo – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Alparslan Murat cho rằng: Thứ nhất, căn cứ vào Quyết định ông Murat cung cấp tại Tòa án cho thấy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, phía Công ty đã không viện dẫn được bất cứ lý do nào theo quy định của Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 và vi phạm nghĩa vụ về thời hạn báo trước. Thứ hai, Quyết định trên còn vi phạm về hình thức của văn bản khi giao cho ông Murat (người lao động) mà không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, không đóng dấu ở cuối văn bản đúng theo quy định pháp luật. Thứ ba, việc Công ty ban hành Quyết định nêu trên cùng với các hành vi: gửi công văn tới Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Khánh Hòa, Cục quản lý Xuất nhập cảnh Khánh Hòa đề nghị thu hồi Giấy phép lao động, Thẻ tạm trú... chính là những hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. 

Về phía Người sử dụng lao động - Bị đơn, Công ty căn cứ vào Quyết định số 01/2017/QĐ để cho rằng Quyết định ông Murat cung cấp là văn bản không có giá trị. Để xác định việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần xét Quyết định số 01/2017/QĐ theo Khoản 10, Điều 36, Điều 44 Bộ luật lao động (chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu, công nghệ...). Do đó, Công ty cho rằng Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. 

Hội đồng xét xử nhận định hợp đồng lao động giữa ông Murat và Công ty là hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, để cần xem xét hai quyết định chấm dứt hợp đồng lao động được cung cấp tại Tòa. Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động đề ngày 23/3/2017 do ông Murat cung cấp đã vi phạm về hình thức, thủ tục báo trước khi Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Quyết định số 01/2017/QĐ do Công ty cung cấp dù đáp ứng điều kiện về hình thức nhưng vi phạm về lý do chấm dứt hợp đồng lao động. Vì ngày Công ty ra quyết định trên nằm trong khoảng thời gian ông Murat nhập viện để điều trị bệnh “rối loạn lo âu” nên theo khoản 1 Điều 39 Bộ luật lao động, Công ty không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời điểm đó. Vậy nên, xét cả hai quyết định, phía Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và Hội đồng xét xử đã buộc phía Công ty phải thực hiện các nghĩa vụ nêu tại Điều 42 Bộ luật lao động. Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Murat, cụ thể: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Alparslan Murat. 2. Buộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anex Việt Nam bồi thường cho ông Murat tổng số tiền: 27.801,72 USD và 1.466.766,44 đồng. 

II - BÀI HỌC:

Qua vụ án trên, chúng tôi rút ra những bài học sau đối với doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

Thứ nhất, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Người sử dụng lao động cần phải chứng minh có một trong các lý do thuộc khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động. Đồng thời doanh nghiệp cần bảo đảm điều kiện: - Thời hạn báo trước theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động. - Không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 39 Bộ luật lao động. 
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động theo các lý do được quy định tại Điều khoản 10, Điều 37 Bộ luật lao động (cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp), thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các trách nhiệm được quy định tại các Điều 44, 45 và 49 Bộ luật lao động. 

Tóm lại, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật lao động quy định là một trong những quyền của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng cần chú ý các điều kiện và trách nhiệm kèm theo để tránh trường hợp thực hiện quyền trái pháp luật, dẫn đến hậu quả bất lợi về cả vật chất và uy tín.