NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI VIỆT NAM KHÔNG?

27/11/2019 02:25

Một trong những thay đổi về chính sách quản lý, sử dụng đất hiện nay là Nhà nước cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhiều quyền năng hơn trước về sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý thông thoáng, công bằng, vững chắc, tạo điều kiện ổn định về mặt tâm lý cho các đối tượng này khi họ có nguyện vọng đầu tư, sinh sống tại Việt Nam. 

Để bạn đọc hiểu rõ những quy định của Pháp luật Việt Nam trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam, Công ty Luật Vũ Như Hảo & Cộng sự chia sẻ những kiến thức liên quan dưới đây: 

Thứ nhất, định nghĩa “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” theo quy định của pháp luật về quốc tịch: 

Căn cứ Khoản 3 Luật quốc tịch năm 2008: “3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” 

Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp 2013: 

“1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.” Căn cứ Khoản 4 Luật quốc tịch năm 2008 “4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” 

Thứ hai, “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. 

Căn cứ khoản 6 Điều 5 Luật đất đai năm 2013: 

Điều 5. Người sử dụng đất 
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm: 
………; 
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; 
……….” 

Thứ ba, Điều kiện để “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được nhận quyền sử dụng đất. 

Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 169 Luật đất đai năm 2013 

Điều 169. Nhận quyền sử dụng đất 
đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;”
 

Thứ tư, Điều kiện để “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam 


Điều kiện thứ nhất: Được phép nhập cảnh vào Việt Nam 

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Luật nhà ở năm 2014 
Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở 
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này"


Điểu kiện thứ hai: Có các giấy tờ chứng minh là đối tượng được sở hữu nhà ở 

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

"2. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây: 
a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu; 
b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
 

Điều kiện thứ ba: Hình thức có được nhà ở phù hợp với quy định pháp luật về nhà ở 

Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở năm 2014 
“2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây: b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;” 

Sau khi, Quý khách hàng đáp ứng được các điều kiện trên thì Quý Khách hàng được pháp luật công nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.