NGHỈ LÀM VÌ DỊCH COVID-19 CÓ ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG? TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

09/03/2020 16:57

Trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động được làm việc tại nhà hoặc ngừng việc thậm chí có doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động. Trước thực trạng này, Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự nhận được nhiều câu hỏi (chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn Nha Trang, Khánh Hòa) liên quan đến quy định về việc trả lương cho người lao động trong những trường hợp này. 

Để giúp cho các doanh nghiệm nắm bắt các quy định liên quan của pháp luật lao động, chúng tôi xin tư vấn một số trường hợp cụ thể dưới đây.

1) TRƯỜNG HỢP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NGHỈ VIỆC TẠM THỜI 

Trên thực tế các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc vì nhiều lý do. Có doanh nghiệp cho nghỉ vì lo sợ sự lây lan của dịch bệnh, có doanh nghiệp không có đủ việc làm, doanh thu giảm...  Do đó, tùy tình hình mà mỗi doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp sau:

a) Cho người lao động nghỉ phép năm:

Theo Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động được nghỉ phép năm: 

- 12 ngày đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 
- 14 ngày đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; lao động chưa thành niên; người khuyết tật; 
- 16 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. 
Nếu có dưới 12 tháng làm việc thì người lao động được nghỉ phép năm tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. 

Trong trường hợp cho người lao động nghỉ phép năm thì người lao động vẫn hưởng nguyên lương. 

b) Ngừng việc:

Theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 quy định: 
"3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định."

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu như người lao động phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19 thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu theo từng vùng hiện nay như sau: 

- Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng; 
- Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng; 
- Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng; 
- Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng. 

c) Nghỉ theo thỏa thuận: 

Người sử dụng lao động và người lao động có thể lựa chọn phương án này khi người lao động đã nghỉ hết phép năm nhưng người lao động vẫn cần nghỉ để tránh dịch bệnh. Theo đó, hai bên thoả thuận cho người lao động được nghỉ mà không hưởng lương hoặc được hưởng một khoản hỗ trợ nhất định.  

2) TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 

Trong trường hợp vì lý do dịch bệnh dẫn đến doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, tại điểm c, khoản 1, Điều 38 BLLĐ hiện hành quy định: 

"Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp:
.....
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;" 

Dịch Covid-19 được xem là lý do bất khả kháng, trường hợp này thể hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải...

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ thông báo trước cho người lao động theo quy định tại khoản 2, Điều 38 BLLĐ hiện hành:

"2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng".

Cho nghỉ việc hay chấm dứt hợp đồng lao động luôn là điều đáng tiếc mà không người sử dụng lao động nào mong muốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung nếu buộc phải thực hiện những giải pháp trên người sử dụng lao động vẫn cần phải tuân thủ pháp luật và đặc biệt cần phải có những hỗ trợ tốt hơn pháp luật quy định để bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Luật sư Nha Trang
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự