HỦY ÁN VÌ XÁC ĐỊNH SAI MỐI QUAN HỆ PHÁP LUẬT

11/01/2019 03:39

BẢN ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

giữa

I. Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư VCN (gọi tắt: VCN);

II. Bị đơn: Công ty cổ phần đầu tư phát triển kiến trúc xây dựng CAD.

III. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Công ty cổ phần thương mại du lịch nha trang (gọi tắt: Công ty du lịch Nha Trang).

Đại diện theo ủy quyền: Luật sư Vũ Như Hảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự).

Tóm tắt vụ án:

         Ngày 23/05/2011, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Vinaconex - UPGC (nay đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư VCN (dưới đây gọi tắt: Công ty VCN)) và Công ty cổ phần kiến trúc xây dựng CAD (dưới đây gọi tắt: Công ty CAD) ký hợp đồng số 13/2011/HĐBT-KT về việc sản xuất và cung cấp bê tông thương phẩm cho công trình khách sạn Nha Trang Place số 9 Yersin, Nha Trang, kèm theo có các phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ ngày 25/05/2011; số 03/PLHĐ ngày 25/07/2011; số 04/PLHĐ ngày 19/08/2011.  Công ty CAD không thực đúng theo hợp đồng về thời hạn. Do đó, Công ty VCN đã yêu cầu Công ty CAD làm giấy ủy quyền cho Công ty cổ phần thương mại du lịch Nha Trang (chủ đầu tư dự án gọi tắt: Công ty Nha Trang) thanh toán cho Công ty VCN nếu Công ty CAD chậm thanh toán. Nay, Công ty VCN kiện Công ty CAD ra Tòa án Nha Trang và Công ty Nha Trang là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Yêu cầu của nguyên đơn:

Dựa trên các giấy ủy quyền giữa Công ty CAD và Công ty Nha Trang yêu cầu Tòa án buộc Công ty Nha Trang thanh toán cho Công ty VCN tổng số tiền là 1.146.898.960 đồng (Một tỷ, một trăm bốn mươi sáu triệu, tám trăm chín mươi tám nghìn, chín trăm sáu mươi nghìn đồng) và số tiền lãi.

Ý kiến của bị đơn:

Bị đơn đại diện là ông Trương Minh Cang trốn tránh từ chối không nhận các thủ tục tống đạt của Tòa án và đã vắng mặt không có lý do.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2014/KDTM-ST ngày 29/07/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty VCN:

+ Buộc công ty cổ phần du lịch thương mại Nha Trang phải thanh toán cho Công ty cổ phần đầu tư VCN số tiền là 1.327.535.500 đồng (Một tỷ, ba trăm hai mươi bảy triệu, năm trăm ba mươi lăm nghìn, năm trăm đồng).

Nợ gốc: 1.146.898.960 đồng (Một tỷ, một trăm bốn mươi sáu triệu, tám trăm chín mươi tám nghìn, chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

Nợ lãi: 180.636.586 đồng (Một trăm tám mươi triệu, sáu trăm ba mươi sáu nghìn, năm trăm tám mươi sáu đồng).

Ngày 28/08/201, Công ty Cổ phần du lịch thương mại Nha Trang có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại.

Bản án phúc thẩm số: 01/2015/KDTM-PT ngày 09/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa:

Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2014/KDTM-ST ngày 29/07/2014 của Tòa án nhân dân TP. Nha Trang.

Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về Tòa án Nha Trang giải quyết lại vụ án.

Luận cứ của Luật sư:

   Theo Luật sư Bản án sơ thẩm số 12/2014/KDTM-ST là trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự. Cụ thể như sau:

    Thứ nhất, Bản án sơ thẩm đã xác định sai nghĩa vụ của các chủ thể do xác định sai các mối quan hệ pháp lý. Ở đây có hai mối quan hệ cần được xác định đúng:

1. Mối quan hệ giữa Công ty VCN và Công ty CAD là mối quan hệ mua bán hàng hóa (Nguyên đơn - Bị đơn).

2. Mối quan hệ giữa Công ty CAD và Công ty Nha Trang là mối quan hệ ủy quyền (Bị đơn - Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).

=> Đây là hai quan hệ pháp lý độc lập.

Đối với mối quan hệ 1 thì Công ty Nha Trang không có nghĩa vụ gì, đối với mối quan hệ 2 Công ty Nha Trang có nghĩa vụ với Công ty CAD. Việc xác định không đúng các mối quan hệ của Tòa án sơ thẩm  dẫn tới việc Công ty Nha Trang đang là người liên quan lại quy kết làm bị đơn và buộc phải trả số tiền mà Công ty Nha Trang không có nghĩa vụ phải trả, việc mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ và pháp luật không cho phép.

Mặc dù, hai mối quan hệ trên là hai quan hệ pháp lý độc lập nhưng lại có mối quan hệ với nhau. Cụ thể, trong hợp đồng mua bán hàng hóa có sự khác biệt về phương thức thanh toán - thanh toán thông qua người thứ ba. Căn cứ theo Điều 293 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định về thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba như sau: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”.

Như vậy, theo quy định trên thì dù công ty cổ phần thương mại du lịch Nha Trang có thực hiện không đúng theo hợp đồng ủy quyền với công ty CAD nhưng CAD vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm trước VCN thanh toán số tiền còn nợ và tiền lãi trên khoản nợ chậm trả trong Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa CAD và VCN. Trách nhiệm thanh toán của khoản nợ theo hợp đồng mua bán giữa VCN và C.A.D là hoàn toàn thuộc về C.A.D. Công ty VCN chỉ có quyền yêu cầu C.A.D thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Thứ hai, Luật sư khẳng định Tòa án thành phố Nha Trang phán xét hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng bản chấp pháp lý bởi:

  Nếu xét về thời hạn theo các giấy ủy quyền (1 năm) thì cả bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều không có quyền yêu cầu nữa. Và bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào theo quy định tại Điều 588 BLDS: " Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên uỷ quyền biết một thời gian hợp lý; nếu uỷ quyền có thù lao thì bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên uỷ quyền ".

Thứ 3, về việc xác định tư cách chủ thể, rõ ràng tòa sơ thẩm có những sai lầm nghiêm trọng về việc xác định tư cách chủ thể.

- Ngay từ đầu bản thân công ty VCN cũng không khởi kiện Công ty Nha Trang và Thẩm phán ngay từ khi thụ lý cũng chỉ xác định Công ty Nha Trang là người liên quan trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán” mà không phải người mua, cũng không phải là người bán càng không phải là người bị kiện. Vậy mà không hiểu căn cứ vào quy định nào mà HĐXX sơ thẩm lại “chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc công ty cổ phần Du Lịch Thương Mại Nha Trang phải thanh toán cho công ty cổ phần VCN số tiền 1.327.535.500đ” và buộc Công ty Nha Trang phải đóng án phí. Việc xét xử như vậy là tùy tiện, không có cơ sở và gây thiệt hại đến uy tín và tiền bạc của công ty Nha Trang.

Với toàn bộ những căn cứ rõ ràng mà Luật sư đưa ra, theo quy định pháp luật hiện hành như đã trình bày ở trên có thể một lần nữa khẳng định toàn bộ bản án số 12/2014/KDTM-ST ngày 29/7/2014 là sai. Bản án số 12/2014/KDTM-ST ngày 29/7/2014 cũng đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của công ty Nha Trang.

        Vụ án này cho thấy, ngay cả Thẩm phán - những người có kinh nghiệm lâu năm trong áp dụng pháp luật còn nhầm lẫn giữa các mối quan hệ pháp luật dẫn đến việc đưa ra các bản án xâm phạm đến quyền và lợi ích của các đương sự. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy trang bị cho mình những kiến thức nhất định về pháp luật và trong hoạt động kinh doanh thương mại nên tìm những lời khuyên từ các chuyên gia về pháp luật để tránh hoặc giảm thiểu những rủi ro nhất định.

         Toàn văn bản án phúc thẩm xem TẠI ĐÂY