VỤ ÁN HI HỮU - NGƯỜI VAY TIỀN THẮNG KIỆN CHỦ NỢ!

22/12/2018 02:17

Vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”

giữa

Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Bị đơn: Công ty Cổ phần Á Châu

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Vũ Như Hảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự).

Tóm tắt vụ án:

Ngày 5/12/1998 Công ty TNHH Á Châu (hiện tại là Công ty CP Á Châu có ký với Công ty Vật tư Khánh Hòa (Khamatco) Bản thỏa thuận số:02-98/KHA-ASC với nội dung Công ty Á Châu sẽ tiếp nhận toàn bộ thiết bị được Công ty Vật tư Khánh Hòa nhập khẩu từ Hàn Quốc thuộc L/C số 018060296ILC0065 ngày 18/05/1996 để đưa vào kinh doanh khai thác. Đổi lại, Công ty Á Châu chịu trách nhiệm trả nợ thay cho Công ty Vật tư Khánh Hòa đối với khoản vay trị giá 677.200 USD vay tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Nha Trang (Vietcombank Nha Trang) với những điều kiện kèm theo được sự phê duyệt của Vietcombank Nha Trang. 
Ngày 29/05/2003, Vietcombank Nha Trang đã ký Hợp đồng tín dụng bắt buộc số 01/ASC/NHNT cho vay bắt buộc đối với Công ty Á Châu số tiền 439.605,22 USD (Số tiền này là số tiền còn lại sau khi Công ty Á Châu trả nợ thay cho Công ty Vật tư Khánh Hòa từ năm 1998 đến năm 2003). Đến năm 2012, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (nguyên là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) kiện Công ty Á Châu ra Tòa án Nha Trang buộc Công ty Á Châu thanh toán số toàn bộ số tiền nợ tạm tính đến ngày 30/03/2012 với số tiền nợ gốc: 355.368 USD, nợ lãi: 496.118,82 USD tổng cộng là 851.486,82 USD tương đương với số tiền 17.693.896.119,60 đồng. 

Bản án sơ thẩm số: 29/2013/KDTM - ST

Ngày: 27/09/2013

V/v: “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”

Nội dung bản án:

Bác toàn bộ yêu cầu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam về việc đòi Công ty CP Á Châu phải trả số tiền 355.368 USD.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Bản án phúc thẩm số: 04/2014/KDTM-PT

Ngày 20/01/2014

V/v: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”

Nội dungSửa bản án sơ thẩm 

Tuyên bố Hợp đồng tín dụng (Bắt buộc) số 01-ASC/NHNT ngày 29/05/2003 và phụ lục hợp đồng ngày 29/05/2003 giữa chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Nha Trang và Công ty Á Châu (Công ty TNHH Á Châu) là vô hiệu.

Bác toàn bộ yêu cầu của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam về việc đòi Công ty Á Châu phải trả số tiền 355.368 USD.

Vai trò của Luật sư trong vụ án:

Với hai bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, Luật sư đã làm rõ sự thật về khoản vay hàng chục tỷ đồng gồm gốc và lãi. Ngoài ra, Luật sư đã chỉ ra những chỗ vận dụng pháp luật chưa đúng của ngân hàng dù ngân hàng đã chuẩn bị rất đầy đủ và hợp thức hóa khoản vay một cách rất tài tình kèm theo là những chứng cứ như chứng từ, hóa đơn, hợp đồng tín dụng, Bản thỏa thuận,... Tuy nhiên, chính những chứng cứ này đã chống lại phía ngân hàng.

Để bảo vệ quyền lợi của bị đơn, Luật sư đã hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Công ty Á Châu và ngân hàng ký hợp đồng tín dụng trên. Dưới sự thừa nhận của hai bên thì Công ty Vật tư Khánh Hòa đã mở L/C số 018060296ILC0065 ngày 18/05/1996 L/C tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam nhưng Công ty Vật tư Khánh Hòa không có điều kiện thanh toán và sử dụng lô hàng trên. Chính vào lúc này, Công ty Á Châu có ký thỏa thuận với Công ty Vật tư Khánh Hòa để mua lại lô hàng trên nhưng do Công ty Vật tư Khánh Hòa còn nợ ngân hàng một số tiền là 439.605,22 USD. Điều này đã được hai bên thừa nhận tại Tòa. Như vậy, sự thật thì Công ty Á Châu có mối quan hệ mua bán tài sản với Công ty Vật tư Khánh Hòa và mối quan hệ mua bán này hoàn toàn độc lập với Hợp đồng vay tín dụng bắt buộc giữa Công ty Á Châu và ngân hàng. Hay nói cách khác Công ty Á Châu không hề vay tiền từ phía ngân hàng.

      Hơn nữa, Luật sư đã chỉ ra các văn bản liên quan đến sự việc được phía ngân hàng cung cấp cho Tòa án là trái với quy định của pháp luật:

      Thứ nhất, theo Luật sư thì Bản thỏa thuận số: 02-98/KHA-ASC ngay từ đầu đã không có hiệu lực. Sau khi nghiên cứu Bản thỏa thuận trên thì luật sư phát hiện bản thỏa thuận này không đáp ứng được điều kiện để có hiệu lực cụ thể tại Điều 2 của Bản thỏa thuận có ghi “trong trường hợp Ngân hàng ngoại thương chấp thuận điều kiện cho vay mới...thì Công ty Á Châu có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ phần nợ gốc lãi và phí theo Hợp đồng mới trong tương lai” và theo Điều 6 Điều khỏan thi hành của Bản thỏa thuận nêu rõ: “ Bản thỏa thuận này chỉ có giá trị thực hiện khi đề nghị về khoản vay mới Công ty Á Châu được chi nhánh ngân hàng Ngoại thương Nha Trang chấp thuận” . Tuy nhiên, ngân hàng đã không thực hiện thỏa thuận này. Cụ thể, từ lúc ký Bản thỏa thuận 3 bên trên, các đề xuất xin vay mới của Công ty Á Châu (Công ty TNHH Á Châu) không được phía ngân hàng phê duyệt. Điều này cũng được phía ngân hàng thừa nhận tại Tòa. 
Thứ hai, ngày 29/05/2003 Vietcombank Nha Trang đã ký Hợp đồng tín dụng bắt buộc số 01/ASC/NHNT cho vay bắt buộc Công ty Á Châu số tiền 439.605,22 USD. Hợp đồng này theo nhận định của Luật sư là vô hiệu vì những lý do sau:

+ Hợp đồng trên áp dụng không đúng đối tượng: Công ty Á Châu không thuộc đối tượng cho vay bắt buộc, do thời điểm ký hợp đồng tín dụng ngày 29/05/2003, Công ty Á Châu không được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp và không có giấy phép xuất khẩu của Bộ thương mại, cũng không phải là đơn vị yêu cầu và được ngân hàng mở thư tín dụng. Điều này vi phạm Điều 1 Quyết định số 802-TTg ngày 24/09/1997 của Thủ tướng chính phủ và Điều 1 Thông tư số 07/1997/TT-NHNN ngày 04/12/1997 của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, Công ty Á Châu là đơn vị sản xuất trong nước không có yếu tố xuất khẩu cho vay bằng ngoại tệ là không đúng quy định quản lý ngoại hối. Điều này đã vi phạm Điều 4 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước.

+ Ngoài ra, hợp đồng trên sai quy định về điều kiện vay vốn và quy trình hướng dẫn: cụ thể khi ngân hàng cho Công ty Á Châu vay đã không lập hồ sơ vay vốn, không có dự án đầu tư, không có phương án sản xuất kinh doanh là vi phạm khoản 4, Điều 7 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng nhà nước.

Từ những phân tích trên của Luật sư thì Hợp đồng tín dụng bắt buộc số 01/ASC/NHNT ngày 29/05/2003 và phụ lục hợp đồng ngày 29/05/2003 bị vô hiệu căn cứ theo khoản 2, Điều 131; Điều 136, Điều 137, Điều 146 Bộ luật dân sự năm 1995.

Như vậy, Ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam không có cơ sở nào để yêu cầu Công ty Á Châu phải thanh toán số tiền trên. Đây là vụ án hi hữu bởi 2 lý do: (1) Người vay thắng kiện người cho vay; (2) VCB lần đầu tiên thua kiện trong một vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Toàn văn bản án xem TẠI ĐÂY