VỤ ÁN OAN SAI - KIÊN TRÌ THEO ĐUỔI LẼ CÔNG BẰNG!

06/06/2019 08:57

Trong các vụ án hình sự tại Việt Nam việc tòa án tuyên một bị cáo vô tội trước tòa gần như không có. Trong quá trình xét xử, nếu thấy có dấu hiệu "vô tội", tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, cơ quan điều tra có thể kết luận "không đủ căn cứ kết tội" hoặc vẫn giữ nguyên kết luận điều tra. Do đó, những vụ án mà bị cáo được "vô tội" cũng rất hãn hữu. Vì sự hãn hữu này nên như một thông lệ "cứ khởi tố là có tội".
Dưới đây là một vụ án trong số những vụ án oan sai hiếm hoi mà chúng tôi đã kiên trì nhiều năm để tìm được sự công bằng cho thân chủ - Vụ án hình sự: “Vi phạm việc kê biên tài sản”. Vụ án được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk vào ngày 23/12/2013, xét xử phúc thẩm vào ngày 16/6/2014.
I. Bị cáo: ông Nguyễn Đình Sơn - sinh năm 1960  
Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Vũ Như Hảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự) 
II. Nguyên đơn dân sự: Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar 
III. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: (1) bà Lê Thị Thê (vợ bị cáo); (2) bà Chu Thị Hoa; (3) ông Bùi Văn Giáp.  
 
Tóm tắt vụ án 

Lô đất số 311a, tờ bản số 50, tọa lạc tại thôn 7, xã Cư Ni, huyện Eakar có nguồn gốc là của ông Tuất và bà Xuân trú tại thôn 9, xã Cư Ni, huyện Eakar. Ông Tuất và bà Xuân cho vợ chồng con gái là bà Chu Thị Hoa và ông Bùi Văn Giáp.

Ngày 08/03/2004, ông Bùi Văn Giáp, bà Chu Thị Hoa chuyển nhượng lại toàn bộ quyền sử dụng đất, nhà ở, cây cà phê, ruộng cấy và ao cho vợ chồng ông Nguyễn Đình Sơn và bà Lê Thị Thê với giá 65.000.000 Đồng. Hai bên đã viết “giấy sang nhượng” có xác nhận của ông trưởng thôn Nguyễn Văn Xê và người làm chứng đồng thời là hàng xóm – ông Chu Tuấn Anh. Ông Sơn, bà Thê đã thanh toán số tiền 59.500.000 đồng còn lại 5.000.000 hai bên giao kết “khi nào chú Giáp làm giấy tờ bìa đất sang tên cho anh Sơn xong thì anh Sơn giao nốt 5 triệu đồng”. Năm 2006, khi ông Bùi Văn Giáp, bà Chu thị Hoa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngày 29/04/2006 hai bên thỏa thuận ông Sơn, bà Thê giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Giáp, bà Hoa để tự sang tên và trả cho ông Giáp, bà Hoa 3,5 triệu đồng thay vì 5 triệu đồng, còn lại 1,5 triều đồng ông Sơn, bà Thê không phải trả, điều này được các bên ghi nhận trong giấy mua bán là để làm chi phí “sau này sang tên”.

Tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nuôi 3 đứa con ăn học, cùng với suy nghĩ việc mua bán này là hoàn toàn hợp pháp, tài sản thì mình đang quản lý, sử dụng nên ông bà Sơn + Thê chưa làm thủ tục sang tên, đăng ký quyền sử dụng đất.

Đến năm 2009, Bà Chu Thị Hoa mua cám của ông Nguyễn Văn Luận còn nợ 71.724.000 đồng, ông Luận khởi kiện bà Hoa ra Tòa án. Tòa án huyện Eakar đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên. Nhưng sau đó bà Hoa vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho ông Luận, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án số 129/Q Đ-THA ngày 16/04/2009.

Trong quá trình thi hành án, chi cục thi hành án dân sự đã xác minh một số tài sản thuộc sở hữu của bà Hoa nhưng cuối cùng thì thi hành án lại ra quyết định kê biên tài sản số 01/QĐ-THA ngày 07/12/2009, kê biên một phần quyền sử dụng đất nêu trên mà bà Hoa, ông Giáp đã chuyển nhượng cho ông Sơn, bà Thê gồm 5.000 m2, và các tài sản có trên 5.000 m2 đất đó.

Khi cơ quan thi hành án kê biên, ông Sơn bà Thê đã cho rằng quyết định kê biên của thi hành án là trái pháp luật, ông bà Sơn, Thê đã gửi đơn kêu cứu đến Công an, Tòa án, VKS nhưng đều bị các cơ quan này chuyển cho chi cục Thi hành án dân sự Eakar giải quyết nhưng chi cục thi hành án không có bất cứ văn bản nào giải quyết khiếu nại này.

Sau đó, ông bà Sơn, Thê tiến hành hoàn tất thủ tục mang tính chất hành chính để sang tên đổi chủ thửa đất thì bị cơ quan thi hành án ngăn chặn nên không thực hiện được.

Cuối năm 2012, do mất mùa, cây cà phê năng suất thấp, kém hiệu quả nên ông Sơn đã quyết định phá bỏ cây cà phê để chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày là cây ngô, cây điều. Việc làm này của ông Sơn đã bị cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu CQCSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “vi phạm việc kê biên tài sản” theo điểm b, khoản 1, Đ 310 BLHS 1999.
 
Quyết định của bản án sơ thẩm số 155/2013/HSST của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar

“Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình Sơn phạm tội "Vi phạm việc kê biên tài sản"
Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 310; điểm h, điểm p, khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình Sơn 06 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 BLHS, Điều 604, Điều 605, Điều 608, Điều 616 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao buộc Nguyễn Đình Sơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Thê phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea Kar số tiền 88.780.000 đồng.”
 

Ngoài ra bị cáo còn phải nộp án phí 4.639.000 đồng. 

 
Quyết định của bản án phúc thẩm số 212/2014/HSPT của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk

“Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đình Sơn
Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 115/2013/HSST ngày 23/12/2013 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Ea Kar xét xử lại theo thủ tục chung”
 

 
Bản kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐTBS của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar

Ngày 17/6/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar ra kết luận điều tra bổ sung như sau:
 
 

Ngày 4/9, đại diện 3 cấp tố tụng gồm: Cơ quan CSĐT Công an, VKSND và TAND huyện Ea Kar đã thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án và công khai xin lỗi ông Nguyễn Đình Sơn. (Báo Dân Trí cũng đưa thông tin này: https://dantri.com.vn/phap-luat/3-co-quan-to-tung-cong-khai-xin-loi-lao-nong-bi-ket-an-oan-20150907170414482.htm


Vai trò của Luật sư trong việc bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích cho Bị cáo 

Được minh oan và thoát khỏi vòng lao lý là kết quả của quá trình đi tìm công lý không mệt mỏi của Luật sư và bị cáo Sơn cũng như gia đình bị cáo Sơn. Để đạt được kết quả này, Luật sư đã kiên trì theo đuổi những luận cứ sau:

1. Thứ nhất, về chủ thể là không thỏa mãn điều 310 Bộ luật hình sự.

1.1. Theo điều 310 BLHS thì chủ thể của tội phạm là “người được giao giữ tài sản bị kê biên”. Nhưng toàn bộ hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm đại diện Chi cục THADS huyện Eakar cũng thừa nhận là không có quyết định hay biên bản giao tài sản nào cho ông Sơn. Bản thân ông Sơn cũng không nhận được văn bản nào về việc bàn giao tài sản kê biên cho mình. Chi cục thi hành án dân sự huyện Eakar cũng không đưa ra được bằng chứng chứng minh việc giao tài sản kê biên cho ông Sơn. Như vậy là vi phạm Điều 58 Luật thi hành án dân sự 2008. Khoản 3, Điều 58 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định:

“3. Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do”.

Án sơ thẩm nhận định rằng “Bị cáo đã sử dụng diện tích đất nói trên và thu hoạch sản phẩn từ đó đến nay, chứng tỏ bị cáo đã nhận tài sản bị kê biên” là chủ quan, phiến diện không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Bởi ông Sơn đã được vợ chồng ông Giáp, bà Hoa giao đất từ năm 2004 và gia đình ông Sơn đã canh tác, sử dụng từ đó. Không có việc kê biên và bàn giao tài sản kê biên thì ông Sơn vẫn sử dụng và quản lý tài sản. Cơ sở nào có thể suy luận từ việc ông Sơn sử dung và thu hoạch sản phẩm trên đất có nghĩa ông Sơn là người nhận tài sản kê biên?!

1.2. Nếu ông Sơn là người được Chi cục THADS huyện Ea Kar giao giữ tài sản kê biên thì ông Sơn phải được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản theo như đoạn 2, Khoản 3, Điều 58 Luật thi hành án dân sự 2008: “Người được giao bảo quản tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trong suốt thời gian tài sản bị kê biên tại sao Chi cục THADS không trả thù lao cho ông Sơn? Điều này chứng tỏ Chi cục THADS không giao cho ông Sơn quản lý tài sản kê biên.

Như vậy, ông Sơn không phải là người được giao quản lý tài sản kê biên, do đó ông Sơn không phải là chủ thể của tội “vi phạm việc kê biên tài sản” vì Điều 310 BLHS ghi rất rõ chủ thể của tội này là: “người được giao giữ tài sản bị kê biên”.  

2. Thứ hai, về đối tượng của tội phạm, theo quy định tại Điều 310 BLHS thì đối tượng của tội phạm là tài sản kê biên nhưng trong vụ án này cần phải xem xét tài sản này thuộc quyền sở hữu của ai? Nó có phải là đối tượng được phép kê biên theo luật thi hành án dân sự hay không?

2.1. Trả lời câu hỏi thứ nhấttài sản kê biên thuộc quyền sở hữu của ai? Tôi có đủ cơ sở xác định đây là tài sản của ông Sơn.

a) Về quyền sử dụng đất: giao dịch chuyển nhượng này là có thật, có người làm chứng, có xác nhận của trưởng thôn, có việc giao tiền, có việc giao đất, giao tài sản, các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, mục đích của hợp đồng không trái pháp luật, đạo đức xã hội và đủ điều kiện chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Tuy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này chưa được công chứng, chứng thực nhưng đất chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 29/4/2006.

Mặt khác, Giấy sang nhượng ngày 08/3/2004 giữa ông Sơn và vợ chồng ông Giáp, bà Hoa đã thể hiện những nội dung cơ bản theo đúng quy định tại Điều 708 BLDS 1995 như: tên, địa chỉ các bên, vị trí, ranh giới, giá chuyển nhượng và cả tiến trình thanh toán, một phần quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như quyền của bên thứ ba.

Theo quy định tại điểm b.2 tiểu mục 2.3 mục 2 II Nghị Quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2, 3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 …., thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này”.

Trên thực tế, ông Giáp, bà Hoa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003 bằng chứng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số ADD532188 do UBND huyện Ea Kar cấp ngày 23/03/2006. Như vậy giao dịch này không vô hiệu.

Mặt khác, gia đình ông Sơn cũng đã trồng cây cà phê (loại cây lâu năm) trên đất nhận chuyển nhượng. Theo quy định tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng”.

Do đó, việc Tòa án nhân dân huyện Ea Kar nhận định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Giáp, bà Hoa và ông Sơn: “vô hiệu” và “trái quy định của pháp luật” là không đúng với hướng dẫn trên đây của HĐTP TAND tối cao.

Hơn nữa, UBND xã Cư Ni cũng xác nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Sơn với ông Giáp, bà Hoa là sự thật theo Đơn xin xác nhận sang nhượng đất của vợ chồng ông Sơn ngày 05/01/2010. Đây chính là sự chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng tôi với ông Giáp, bà Hoa đáp ứng yêu cầu về hình thức quy định của pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 705 BLDS 1995: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên tuân theo các điều kiện, nội dung, hình thức chuyển quyền sử dụng đất … theo đó người sử dụng đất (gọi là bên chuyển quyền sử dụng đất) chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho người được chuyển nhượng (gọi là bên nhận quyền sử dụng đất), còn người được chuyển nhượng trả tiền cho người chuyển nhượng” và Điều 697 BLDS 2005 

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.       

Trong trường hợp này, ông Giáp, bà Hoa – người sử dụng đất đã giao đất và quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cho ông Sơn– người được chuyển nhượng từ ngày 08/3/2004 và ông Sơn đã nhận đất và quyền sử dụng đất cũng như đóng thuế theo đúng quy định của nhà nước từ năm 2004 đến nay; mặt khác, vợ chồng ông Sơn cũng đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ông Giáp, bà Hoa. Ông Sơn chỉ đợi thời điểm thích hợp để làm thủ tục sang tên trên GCN quyền sử dụng đất.           

Như vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sơn và vợ chồng ông Giáp, bà Hoa hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật công nhận. Quyền sử dụng đất do đó thuộc sở hữu của ông Sơn.

b) Về tài sản là cây trồng: Theo quy định của pháp luật thì quyền sở hữu đối với cây cối không phải đăng ký do đó theo hợp đồng viết tay giữa hai bên vào các ngày 08/04/2004, ngày 16/3/2004 và ngày 26/04/2006 thì ông Sơn là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm 550 cây cà phê kinh doanh, 10 cây cà phê 5 năm tuổi, 33 cây nhãn, 02 cây vải, 02 cây hồng xiêm, 05 cây mãng cầu và tài sản khác trên đất. Tài sản trên đất đã được giao cho vợ chồng ông Sơn khai thác, sử dụng từ năm 2004 đến nay. Hay nói cách khác quyền sở hữu đối với tài sản trên đất không phụ thuộc vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 173 BLDS 1995, Điều164 BLDS 2005 thì “quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”. Vì thế, ông Sơn có quyền định đoạt đối với tài sản trên đất trong đó có các loại cây như kể ở trên và việc ông Sơn nhổ các loại cây trên để trông cây khác là để thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.          

Ngoài ra, Điều 248 BLDS cũng quy định: Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao. Theo đó, kể từ thời điểm ông Sơn nhận bàn giao tài sản thì ông Sơn đã được chuyển giao quyền sở hữu đối với cây cối, tài sản trên đất.

2.2. Trả lời cho câu hỏi thứ hai: Đây có phải là đối tượng được phép kê biên theo luật thi hành án dân sự hay không? có thể khẳng định đây không phải là tài sản được quyền kê biên tức là quyết định kê biên tài sản số 01/QĐ-THA ngày 07/12/2009 của Chi cục THADS huyện Eakar là hoàn toàn trái pháp luật. Điều này được chứng minh như sau:

a) Theo khoản 3, Điều 71 luật thi hành án 2008 quy định: “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ” thì tài sản kê biên phải thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Trong trường hợp này tài sản kê biên đã chuyển giao quyền sở hữu cho vợ chồng ông Sơn trước thời điểm kê biên rất lâu cả 5 năm như đã chứng minh ở trên. Do vậy, chi cục thi hành án Eakar kê biên tài sản của người thứ ba không liên quan đến việc thi hành án là trái pháp luật.

b) Về thông báo số 236/QĐ/THA ngày 22/12/2009 “v/v thực hiện quyền khởi kiện, kiểm tra tài sản kê biên và triệu tập đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” của chi cục thi hành án Eakar cũng hoàn toàn trái pháp luật.

Từ năm 2004 đến nay gia đình ông Giáp, bà Hoa và gia đình ông Sơn không phát sinh tranh chấpliên quan đến thửa đất số 311a mà ông Giáp, bà Hoa đã chuyển nhượng cho ông Sơn. Do đó, không có lý do gì để các bên phải khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Điều 75 Luật thi hành án dân sự vì không có tranh chấp (theo Điều 75 luật thi hành án dân sự 2008 thì chỉ khởi kiện khi có tranh chấp).

Như vậy, việc kê biên tài sản theo quyết định số 01/QĐ-THA của Cơ quan thi hành án dân sự huyện EaKar và việc ban hành thông báo số 236/QĐ/THA ngày 22/12/2009 “v/v thực hiện quyền khởi kiện, kiểm tra tài sản kê biên và triệu tập đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” là hoàn toàn trái pháp luật.

3. Thứ ba, về tính hợp lý của quyết định kê biên tài sản

Như trên đã phân tích thì quyết định kê biên của chi cục thi hành án dân sự Eakar là bất hợp pháp nhưng xét về tính hợp lý thì nó thể hiện sự quan liêu, coi thường, vô cảm trước lợi ích của người dân lao động.

Việc chuyển nhượng đất, tài sản trên đất của ông Sơn là hoàn toàn có thật, chính đáng được người dân và thôn trưởng công nhận và thực tế vợ chồng ông đã phải đổ mồ hôi, máu thịt để làm lụng trên mảnh đất này, nhưng chỉ vì việc chưa kịp sang tên trên giấy chứng nhận (một thủ tục hành chính nhỏ trong cả quá trình chuyển nhượng) mà thi hành án Eakar lại sẵn sàng kê biên, tước đoạt quyền sở hữu của người nông dân như ông Sơn để bảo vệ quyền lợi cho một người khác mà chủ đất cũ có nghĩa vụ trả nợ và nghĩa vụ này đến sau so với quyền lợi trực tiếp của ông Sơn. Ông Sơn mua mảnh đất này từ năm 2004 kéo dài đến 2006 trong khi quyền lợi của người được thi hành án là năm 2009.  Vậy tại sao cơ quan thi hành án lại nhiệt tình thi hành án đến mức sẵn sàng dẫm đạp, tước bỏ quyền lợi của người nông dân như ông Sơn để bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 mà quyền lợi của người này phát sinh sau quyền lợi của ông Sơn? Phải chăng có việc làm mờ ám của chấp hành viên với người được thi hành án?

4. Thứ tư, về tố tụng, có một số thủ tục tố tụng trong vụ án này Luật sư cho là vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự.

Chi cục thi hành án dân sự được xác định tư cách tham gia vụ án là nguyên đơn dân sự và do đó được đưa ra yêu cầu bồi thường. Theo Điều 52 BLTTHS thì “NĐDS là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

4.1. Trong vụ án này, Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk không bị thiệt hại bởi hành vi nhổ cây cà phê và cây ăn quả mà người bị thiệt hại là ông Sơn – chủ sở hữu của các loại cây đó. Vì thế, Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

4.2. Mặt khác, nếu xác định Chi cục thi hành án là nguyên đơn trong vụ án thì Tòa án huyện Ea Kar tự mâu thuẫn với chính mình. Bởi lẽ, tòa án cho rằng ông Sơn là người được giao quản lý tài sản kê biên thì ông Sơn phải là nguyên đơn trong vụ án này?!

4.3. Bà Phạm Thị Phượng là Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar đã tham gia đoàn cưỡng chế và ký xác nhận vào biên bản kê biên tài sản nhưng lại tham gia giải quyết vụ án với tư cách là KSV là vi phạm khoản 3, Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự - không vô tư khách quan.

5. Thứ năm, về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cũng cần phải xem xét. Trên đây tôi đã chứng minh ông Sơn không có hành vi hủy hoại tài sản kê biên. Nhưng giả sử ông Sơn có hủy hoại tài sản đã kê biên thì cũng đã đến mức bị xử lý hình sự hay chưa? Giả sử việc kê biên là đúng thì hành vi của ông Sơn cũng chỉ bị xử lý ở mức xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 7 Nghị định 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Bởi vì theo quy định tại khoản 4, Điều 8 BLHS thì "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác”Như vậy, yếu tố quan trọng nhất để không bị coi là tội phạm là tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể. Rõ ràng hành vi của ông Sơn là định đoạt tài sản của chính mình, tài sản do chính mình bỏ tiền ra mua, bỏ công sức ra trồng cấy, chăm sóc thì không thể nói là hành vi của tội phạm được. Đó là giả sử việc kê biên là đúng.Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở trên ông Sơn không vi phạm pháp luật hình sự cũng như pháp luật hành chính. Bởi vì:

- Ông Sơn tự định đoạt tài sản hợp pháp của mình;
- Ông Sơn không phải là chủ thể của tội vi phạm việc niêm phong kê biên tài sản;
- Quyết định kê biên của chi cục thi hành án dân sự Eakar là vi phạm pháp luật;
- Hành vi thực thi pháp luật của các chấp hành viên liên quan là hành vi thể hiện sự tiêu cực và vô cảm.

Pháp luật của nhà nước ta là pháp luật của nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng trong vụ án này, nỗi oan của ông Sơn, một người bình thường cũng có thể thấy được. Ông Sơn - chủ sở hữu của những tài sản được hình thành bằng đồng tiền, bằng mồ hôi công sức của chính mình nhưng chỉ vì chưa hoàn tất thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lại bị coi là xâm phạm vào tài sản của người khác (tài sản bị kê biên thi hành án) bị phạt tù và bồi thường đối với tài sản của mình thì quá là vô lý.

Trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, sự thật của vụ án cũng như việc xét xử đúng người đúng tội. Trên cơ sở đề nghị của Luật sư, Tòa án cấp phúc thẩm mặc dù không tuyên ông Sơn vô tội nhưng đã đã hủy bản án sơ thẩm để sau khi điều tra bổ sung Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã kết luận ông Nguyễn Đình Sơn không phạm tội và các cơ quan tố tụng đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Đình Sơn.

Xem các bản án:

1) Bản án Sơ thẩm;

2) Bản án Phúc thẩm;

3) Kết luận điều tra bổ sung;

4) Bản án phúc thẩm bồi thường trong tố tụng hình sự.