Thi công chậm tiến độ, bị phạt 680 triệu – Doanh nghiệp tưởng thắng lớn nhưng thua 2 tỷ vì một chi tiết nhỏ (Kinh doanh thương mại)

Ngày đăng: 21/04/2025
Luật Sư Khánh Hòa

BẢN ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

giữa

I. Nguyên đơn: Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang;

Người đại diện theo ủy quyền: Luật sư Vũ Như Hảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Vũ Như Hảo và Cộng sự).

II. Bị đơn: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietstar.

III. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Tập đoàn JK Golobal;

2. Công ty cổ phần xây dựng 26.

Tóm tắt vụ án:

         Ngày 25/10/2008, Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang (Gọi tắt là Công ty Sông Giang) cùng với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietstar (Gọi tắt là Công ty Vietstar) ký hợp đồng kinh tế số: 16/2008/HĐKT (gọi tắt là Hợp đồng) để thi công xây dựng nhà máy, kênh xả và trạm phân phối điện công trình thủy điện Sông Giang 2 với tổng giá trị hợp đồng là 16.784.261.000 đ.

         Ngày 12/10/2009, công ty Sông Giang và Công ty Vietstar ký phụ lục hợp đồng bổ sung sửa đổi một số điều. Ngày 23/09/2009, chủ đầu tư, đơn vị giám sát và Công ty Vietstar đã tổ chức họp để đánh giá tình hình nhà máy, kênh xả là ngày 30/11/2009 và thỏa thuận: Phạt chậm hợp đồng 5.000.000đ/ngày, nếu chậm tiến độ trong hai tuần liên tiếp thì phạt gấp đôi số tiền phạt nêu trên cho 01 ngày chậm. Mặc dù, được Công ty Sông Giang tạo mọi điều kiện để có thể thi công nhưng Công ty Vietstar vẫn không hoàn thành các hạng mục đã được phê duyệt cũng như toàn bộ hợp đồng.

Ngày 31/01/2010 ông Phạm Đức Việt - giám đốc công ty Vietstar đã ký văn bản số 30/KHTH thừa nhận do năng lực tài chính non kém, nhân lực thiếu, thiết bị không đủ nên đã chậm tiến độ ảnh hưởng đến dự án và đề nghị xin chuyển dự án sang đối tác khác để tiếp tục thi công.

Ngày 12/02/2010, Công ty Sông Giang, Công ty Vietstar và Công ty cổ phần Thành Đạt đã ký biên bản để Công ty Thành Đạt tiếp nhận thi công các hạng mục mà Công ty Vietstar chưa làm. Như vậy, tính đến ngày 12/02/2010, Công ty Vietstar  đã làm chậm tiến độ đối với hạng mục đào hố móng Nhà máy, kênh xả với tổng thời gian là 75 ngày.

 Yêu cầu của nguyên đơn:

Buộc Công ty Vietstar thanh toán các khoản tiền phạt, bao gồm:

+ Phạt vi phạm tiến độ là: 680.000.000đ.

+ Phạt không thi công: 2.207.318.700đ.

Ý kiến của bị đơn:

Công ty Vietstar không đồng ý thanh toán các khoản tiền phạt hợp đồng theo yêu cầu khởi kiện của Công ty Sông Giang, bởi lẽ hai bên đã ký biên bản nghiệm thu và Công ty Sông Giang còn nợ tiền thị công của Công ty Vietstar.

Bản án sơ thẩm số: 03/2018/KDTM-ST

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Ngày: 20/09/2018

V/v: “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”

Nội dung bản án:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang về việc phạt do vi phạm tiến độ Hợp đồng kinh tế số 16/2008/HĐKT ngày 25/10/2008 và Phụ lục hợp đồng số 16a/09/HĐBS ngày 12/10/2009 đối với bị đơn Công ty cổ phần xây dựng Vietstar. Buộc bị đơn Công ty cổ phần xây dựng Vietstar phải thanh toán cho Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang số tiền phạt do vi phạm tiến độ là 680.000.000 (Sáu trăm, tám mươi triệu đồng chẵn).

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần khai thác thủy điện sông Giang đối với yêu cầu phạt bị đơn 10% phần giá trị của hợp đồng chưa thực hiện với số tiền là 2.207.318.700 đ (Hai tỷ, hai trăm lẻ bảy triệu, ba trăm mười tám nghìn, bảy trăm đồng).

Luận cứ của Luật sư:

Căn cứ theo Biên bản cuộc họp ký ngày 23/09/2009, chủ đầu tư, đơn vị giám sát và Công ty Vietstar đã tổ chức họp để đánh giá tình hình về tiến độ thi công, thống nhất thời gian hoàn thành đối với hạng mục đào hố móng nhà máy, kênh xả là ngày 30/11/2009 và thỏa thuận: Phạt chậm hợp đồng là 5.000.000 đ/ngày, nếu chậm tiến độ trong 02 tuần liên tiếp thì phạt gấp đôi số tiền phạt nêu trên cho 01 ngày chậm. Mặc dù, được Công ty Sông Giang tạo mọi điều kiện để có thể thi công nhưng Công ty Vietstar vẫn không hoàn thành tiến độ đối với các hạng mục đã được phê duyệt cũng như toàn bộ hợp đồng. Tổng số ngày chậm tiến độ thi công hợp đồng là 75 ngày cụ thể:

+ Từ ngày 31/12/2009 đến ngày 13/12/2009: 14 ngày

Số tiền phạt 1 = 14 ngày * 5.000.000 đ/ngày = 70.000.000 đ

+ Từ ngày 14/12/2009 đến ngày 12/02/2010: 61 ngày

Số tiền phạt 2 = 61 ngày * 10.000.000 đ/ngày = 610.000.000 đ

Tổng số tiền phạt do chậm tiến độ thi công là 680.000.000 đ. (2)

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 422 BLDS 2005 về thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm  

“1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.

...”

Và căn cứ, theo khoản 1, Điều 110 Luật Xây dựng 2003 về thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng

“1. Việc thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng phải được ghi trong hợp đồng.

...”

Như vậy, Công ty Sông Giang hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản tiền phạt nêu tại (1) và (2).

Mặc dù, phía bị đơn phủ nhận Biên bản cuộc họp ngày 23/09/2009 không có hiệu lực vì người ký tên trong biên bản không phải là đại diện theo pháp luật của Công ty Vietstar. Chính vì vậy không chấp nhận chịu phạt vi phạm do chậm tiến độ thi công và phạt do không thực hiện hợp đồng. Nhưng bằng những lý lẽ của mình tại phiên tòa sơ thẩm Luật sư Vũ Như Hảo - người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã phản bác yêu cầu của bị đơn và thuyết phục tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Nhận định của Luật sư về vụ án:

Đây là một vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng điển hình cụ thể phạt do chậm tiến độ hợp đồng và phạt do không thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này các yêu cầu của nguyên đơn - Công ty Sông Giang được Tòa án chấp nhận một phần đó là đối với yêu cầu số (1) còn đối với yêu cầu số (2) Tòa án đã không chấp nhận. Vậy tại sao yêu cầu số (2) không được Tòa án chấp nhận? Lý do Tòa án đưa ra như sau: vào ngày 12/02/2010, giữa Công ty Sông Giang, Công ty Vietstar và Công ty cổ phần Thành Đạt đã ký một biên bản làm việc có nội dung bàn giao thi công hạng mục nhà máy, kênh xả và trạm phân phối điện. Như vậy, có cơ sở cho thấy Công ty Sông Giang đã chấp thuận cho phép công ty Vietstar dừng thi công và bàn giao phần công trình còn lại và bàn giao phần công trình còn lại cho Công ty Cổ phần xây dựng Thành Đạt tiếp tục thi công và trên thực tế Công ty Cổ phần xây dựng Thành Đạt đã thi công phần hạng mục còn lại.

Như vậy, dưới cái nhìn của cơ quan xét xử và cách nhìn của các doanh nghiệp hoàn toàn không giống nhau. Trong hoạt động kinh doanh ví dụ như Công ty Sông Giang họ nghĩ rằng Biên bản bàn giao thi công các hạng mục là chuyển giao sang cho một bên thứ ba công việc mà Công ty Vietstar không thực hiện được. Mà họ không biết được rằng chính vì Biên bản bàn giao đó mà cơ hội đòi số tiền phạt (2) đã không được Tòa án chấp nhận.

 Toàn văn bản án sơ thẩm xem: TẠI ĐÂY

Chia sẻ bài viết