CHO VAY TIỀN NHƯNG KHÔNG CÓ GIẤY TỜ CHỨNG MINH CÓ ĐÒI ĐƯỢC KHÔNG

10/08/2024 09:40

Đoạn tin nhắn, bản ghi âm xác nhận mượn tiền có được xem là bằng chứng khi khởi kiện? Vay tiền không có giấy tờ có đòi được không? Hãy cùng tìm hiểu sau đây:

1. Cho vay tiền có bắt buộc phải viết giấy ghi nợ không?

Hình thức của giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015:

"1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản."

Bên cạnh đó, Điều 463 Bộ luật Dân sự cũng quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, pháp luật không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản. Hợp đồng vay tiền, tài sản được công nhận cả ở ba hình thức là bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

2. Cho vay tiền không tài liệu chứng minh có đòi được không?

Hoạt động cho vay tiền không có giấy tờ nhưng được thể hiện qua lời nói, hành vi hay tin nhắn, mail… thì pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự: 

"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội."

Do đó, nếu giao dịch vay nợ đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì  thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy giấy tờ thì vẫn hợp pháp và người cho vay hoàn toàn có thể đòi nợ người vay.

3. Tin nhắn, bản ghi âm có được xem là chứng cứ khi khởi kiện?

Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về xác định chứng cứ. Xác định chứng cứ: 

"2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó."

Theo quy định trên, tin nhắn, bản ghi âm được xem là chứng cứ trong tố tụng dân sự khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Người xuất trình file ghi âm, tin nhắn phải xuất trình văn bản trình bày về nguồn gốc tài liệu nếu họ là người tự thu âm, thu hình.

- Trường hợp không phải do họ tự thu âm, thu hình thì phải xuất trình văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho họ về nguồn gốc tài liệu hoặc văn bản liên quan đến việc thu âm, thu hình.