Có được cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng?

Hỏi: Chào luật sư, tôi có việc cần được tư vấn như sau: Tôi đã cho bạn tôi mượn sổ đỏ để chấp vay ngân hàng. Hiện tại tôi đang có nhu cầu cần bán đất nhưng sổ đỏ lại đang được thế chấp tại ngân hàng. Cho tôi hỏi làm cách nào để lấy được sổ ra ngay bây giờ?

Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:       

1. Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ.

Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại giấy chứng nhận như:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Tuy nhiên, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hiện nay, theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì:

“…

16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

2. Khái niệm, lợi ích, đặc điểm của vay thế chấp ngân hàng

2.1. Khái niệm của vay thế chấp ngân hàng

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu: 

“Điều 317. Thế chấp tài sản:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2.Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.” 

Như vậy, vay thế chấp là hình thức cho vay có tài sản đảm bảo. Tùy từng ngân hàng và gói vay sẽ có các loại tài sản đảm bảo khác nhau, như: Sổ đỏ, sổ hồng, ô tô, hàng hoá luân chuyển, máy móc, thiết bị… Khi đi vay thế chấp, người đi vay vẫn có quyền sở hữu tài sản đó, nhưng ngân hàng sẽ giữ các giấy tờ liên quan, chỉ khi người vay không thể trả được nợ thì lúc đó phải chuyển sở hữu tài sản cho ngân hàng để thanh lý trừ nợ.

2.2. Lợi ích khi vay thế chấp tại ngân hàng

- Số tiền được vay lớn (tối đa đến 100% giá trị tài sản đảm bảo), phù hợp với nhiều mục đích vay trả góp dài hạn như mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô, kinh doanh, du học…

- Thời gian vay dài khoảng 20 năm, 25 năm làm giảm gánh nặng trả nợ.

- Lãi suất cạnh tranh, với chương trình ưu đãi: Lãi suất có thể chỉ 6% – 8%/năm, hết ưu đãi lãi suất khoảng 10% -12%/năm.

- Khách hàng vẫn được sử dụng tài sản của mình.

2.3. Đặc điểm hình thức vay thế chấp

- Phải có tài sản đảm bảo, tài sản này này sẽ được ngân hàng thẩm định giá trị.

- Lãi suất thấp hơn nhiều so hình thức vay tín chấp.

- Thời gian cho vay kéo dài.

- Số tiền mà khách hàng có thể vay rất lớn và khoảng 70% – 80% giá trị tài sản đảm bảo.

- Hình thức trả nợ linh hoạt.

3. Có được cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng?

Tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

“ Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Nội dung và mục đích  của giao dịch dân sự không không trái đạo đức xã hội, vi phạm điều cấm của luật.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014 quy định:

" Điều 119. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở

1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:

a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở."

Như vậy, điều kiện của bên thế chấp phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự. Căn cứ theo các quy định của pháp Luật trên thì ta chỉ có thể thể chấp sổ đỏ đi mượn trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Chủ sở hữu nhà, đất trực tiếp thực hiện hợp đồng vay vốn với ngân hàng, sau đó thực hiện hoạt động cho vay lại với người có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Trường hợp 2: Được mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng khi có ủy quyền của chủ sở hữu, người mượn sổ đỏ được quyền kí hợp đồng thế chấp dựa vào hợp đồng ủy quyền.

4. Trách nhiệm của người cho người khác mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng.

Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 về bảo lãnh như sau:

“ Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Theo quy định trên, việc cho người khác mượn sổ đỏ, tức là mang tài sản của mình ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người đó là thoả thuận riêng của người cho mượn và người mượn. Nếu người mượn sổ của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bạn vẫn phải trả nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng bảo đảm đã ký. Trả nợ xong, bạn mới được nhận lại được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của mình.

Như vậy, để có thể rút được sổ đỏ nhanh gọn và thuận tiện nhất, bạn có thể yêu cầu người mượn sổ dùng một tài sản khác để đề nghị ngân hàng nhận thế chấp thay thế cho tài sản của bạn. Hoặc bạn phải đứng ra trực tiếp trả nợ cho ngân hàng, sau đó yêu cầu người mượn sổ của bạn trả lại tiền cho bạn. Nếu người đó cố tình không trả, bạn có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp huyện nơi người mượn sổ của bạn sinh sống, làm việc.

Con mất trước cha mẹ thì cháu có được hưởng thừa kế theo pháp luật?

Hỏi: Thưa luật sư, xin luật sư giải đáp cho tôi thắc mắc sau: Cha mẹ tôi đã chết không để lại di chúc và có 6 người con có tên như sau: Tuấn, Bảo, Lan, Hiệp Long, Linh. Trong đó, có 3 người đã chết là: ông Tuấn, ông Long, ông Linh. Nhưng chỉ có ông Long (chưa lập gia đình) và ông Linh chết trước cha mẹ, còn ông Tuấn (chưa lập gia đình) thì chết sau cha mẹ. Lúc còn sống thì cha mẹ có làm hợp đồng tặng cho ông Hiệp một phần đất là 400 m2 đất nông nghiệp trên tổng số 1200 m2 đất của ông bà, còn lại 800 m2 nhưng ông Hiệp và vợ con ông chỉ dùng để ở, giữ và làm đó là nhà thờ cúng tổ tiên nhưng vẫn chưa làm giấy tách thửa. Và ông Hiệp có phần nuôi dưỡng cha mẹ lúc còn sống cho đến lúc cha mẹ chết. Nhưng hiện tại, khu đất này đang nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa của nhà nước. Vậy cho tôi hỏi:

1. Các con của ông Linh có được hưởng thừa kế theo pháp luật quy định không? Nếu có thì phải làm những thủ tục như thế nào?

2. Cha mẹ lúc còn sống đã có chia đất cho ông Hiệp và ông Hiệp cũng có công nuôi dưỡng khi cha mẹ còn sống thì có còn được hưởng tài sản chung mà cha mẹ lúc chết để là lại mảnh đất 800 m2 không?

3. Khi thu hồi đất thì nhà nước sẽ hỗ trợ phần tái định cư? Như thế, phần tái định cư đó sẽ giải quyết như thế nào cho ổn thỏa cho các hàng thừa kế?

Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:

1. Các con của ông Linh có được hưởng thừa kế theo pháp luật quy định không? Nếu có thì phải làm những thủ tục như thế nào?

1.1. Con có được hưởng thừa kế khi cha mất trước ông, bà mà không có di chúc

Theo Điều 652 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

“ Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Như vậy, các con của ông Linh được hưởng thừa kế theo pháp luật quy định.

Theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận về cách thức phân chia di sản. Việc phân chia di sản phải có đầy đủ những người thừa kế theo hàng và thừa kế thế vị (trường hợp thừa kế theo pháp luật). Đây là quyền của những người thừa kế. Thủ tục phân chia di sản thừa kế được pháp luật quy định khác nhau đối với từng loại di sản.

Vì di sản ở đây là quyền sử dụng đất nên những người thừa kế phải phân chia theo đúng trình tự thủ tục theo quy định: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Văn bản thừa kế phải được công chứng tại tổ chức công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chưa có tổ chức công chứng.

Như vậy, người thừa kế thế vị có quyền hưởng thừa kế ngang hàng với những người thuộc hàng thừa kế.

1.2. Thành phần hồ sơ khai nhận di sản thừa kế cần chuẩn bị bao gồm:

- CMND, CCCD hoặc hộ chiếu của từng người;

- Hộ khẩu hoặc Giấy xác nhận thông tin cư trú;

- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (gồm: người hưởng di sản và người để lại di sản);

- Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản thừa kế;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, do UBND cấp; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao); Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa - hợp thức hóa do UBND quận/huyện cấp có xác nhận của Phòng thuế trước bạ và thổ trạch; Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có)

- Giấy phép xây dựng (nếu có)

- Biên bản kiểm tra công trrình hoàn thành (nếu có)

- Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có)

2. Cha mẹ lúc còn sống đã có chia đất cho ông Hiệp và ông Hiệp cũng có công nuôi dưỡng khi cha mẹ còn sống thì có còn được hưởng tài sản chung mà cha mẹ lúc chết để là lại mảnh đất 800 m2 không?

Theo quy định tại Điều 650Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Như vậy, ngoài chỗ đất đã được tặng cho khi còn sống, số đất còn lại trong 1200 m2 đất kia được coi là di sản và được chia cho những người thừa kế. Ông Hiệp lả một trong những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật  nên vẫn được nhận phần tài sản chung mà cha mẹ lúc chết để lại là phần còn lại của mảnh đất 1200 m2 tức 800 m2.

3. Phần tái định cư đó sẽ giải quyết như thế nào cho ổn thỏa cho các hàng thừa kế?

Theo quy định tại Điều 676 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Như vậy, phần tái định cư cũng là phần di sản thừa kế nên sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế và thừa kế thế vị.

Các tình huống tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn

Áp lực, mâu thuẫn, khó khăn trong cuộc sống dẫn đến tranh cãi, tình cảm vợ chồng sứt mẻ và không tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân thì ly hôn là cách thức để cả hai chấm dứt quan hệ vợ chồng. Ly hôn cũng là cách bắt đầu một cuộc sống mới. Hệ quả pháp lý của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt quan hệ vợ chồng mà còn đặt ra việc ai là người nuôi con sau ly hôn. Là bậc cha mẹ thì ai cũng muốn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, vì thế việc tranh chấp giành quyền nuôi con khi ly hôn là vấn đề thường xuyên xảy ra.

Trong quá trình Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết các vụ án ly hôn, chúng tôi thường gặp một số tình huống về tranh chấp quyền nuôi con sau đây:

1. Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn

Hỏi: Chào Luật sư Hảo! Tôi và chồng tôi đang giải quyết vấn đề ly hôn, cả hai đồng ý ly hôn và không tranh chấp tài sản chung nhưng chúng tôi không thoả thuận được với nhau về việc nuôi con, con chúng tôi hiện tại được 5 tuổi. Cả tôi và chồng đều muốn được quyền nuôi nấng, chăm sóc con.

Vậy làm sao để tôi giành được quyền nuôi con? Để giành được quyền nuôi con cần cung cấp những giấy tờ gì cho Toà án?

Rất mong Luật sư tư vấn, cảm ơn Luật sư!

Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:

1.1. Pháp luật quy định về việc giành quyền nuôi con khi ly hôn 

Theo quy định trong Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“ Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

1.2. Điều kiện cần chứng minh

Trong trường hợp của bạn không thỏa thuận được về vấn đề nuôi con thì theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“ Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

...

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con."

Để giành được quyền nuôi con cần đưa ra căn cứ chứng minh cho yêu cầu đó là hợp lý, bạn cần phải chứng minh được việc đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con của mình là tốt nhất trong đó bao gồm yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần.

- Các yếu tố vật chất có thể là: Mức thu nhập hàng tháng, điều kiện kinh tế, tài sản riêng hiện có, chỗ ở ổn định, các khoản phụ trợ khác…. mà có thể đảm bảo để nuôi con.

- Các yếu tố tinh thần bao gồm: Thời gian làm việc, thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm giành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn, sức khỏe… có thể giành tốt nhất cho con.

Như vậy, để giành quyền nuôi con bạn phải chứng minh được các điều kiện về mọi mặt mà bạn giành được cho con. Những điều kiện đó nhằm đáp ứng và đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần cho con sau khi bố mẹ ly hôn.

Ngoài ra, nếu chồng bạn có những bất lợi về điều kiện nuôi con ví dụ như: công việc bấp bênh khiến thu nhập không ổn định, thường xuyên phải đi làm thêm vào buổi tối và không có chỗ ở ổn định…. thì bạn có thể thu thập tài liệu, căn cứ chứng minh để gây bất lợi cho đối phương.

2. Tranh chấp quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn

Hỏi: Chào Luật sư, tôi có thắc mắc chưa rõ muốn hỏi luật sư ạ. Hiện tại vợ tôi muốn ly hôn, chúng tôi có con mới được 4 tháng tuổi bản thân tôi là bộ đội công tác xa nhà vợ tôi vừa học xong và chưa xin được việc làm, tôi thì không muốn ly hôn nhưng vợ tôi thì một mực đòi ly hôn, tôi muốn giành quyền nuôi con thì làm thế nào ạ? Thỏa thuận cô ấy không đồng ý?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Như vậy, khi bạn không đồng ý ly hôn thì vợ bạn vẫn có quyền làm đơn xin ly hôn đơn phương. Và nếu qua quá trình hòa giải, xét xử, Tòa án thấy có một trong những căn cứ để cho ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn. Lúc này, quyền nuôi con sẽ được Tòa án giải quyết dựa trên quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, con bạn hiện mới chỉ 4 tháng tuổi, theo như quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ 2014 thì đối với con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ khi mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đối với trường hợp này, Tòa án không chỉ xét dựa vào yếu tố kinh tế, mà sẽ xét điều kiện nuôi con của người mẹ về mặt tinh thần, thời gian, sức khỏe...có đảm bảo để trông nom, chăm sóc con hay không. Bởi sau khi ly hôn, bên nào không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo đó nếu bạn muốn dành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được vợ bạn không có đủ điều kiện để chăm sóc con và chứng minh mình có đủ điều kiện để nuôi dưỡng chăm sóc con. 

Đăng ký khai sinh cho con với người khác khi chưa ly hôn

Hỏi: Tôi và chồng kết hôn từ năm 2018 nhưng do hay mâu thuẫn với nhau nên đã ly thân được một thời gian nhưng chưa ly hôn. Hiện tại tôi đang sống một một người khác như vợ chồng và có với nhau một người con 1 tháng tuổi. Luật sư cho tôi hỏi chưa ly hôn mà có con với người khác thì thủ tục làm giấy khai sinh cho con như thế nào?
Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý:

- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Luật Hộ tịch 2014
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP

Nội dung tư vấn:

1. Hành vi vi phạm chế độ hôn nhân môt vợ, một chồng

Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 hiện nay cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Như vậy mối quan hệ của bạn là cha ruột của đứa bé là mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp.

2. Xác định cha, mẹ, con

Về vấn đề xác định cha cho con cái pháp luật có quy định cụ thể tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Theo đó trên thực tế mặc dù chồng của bạn không phải là cha ruột của đứa bé nhưng vẫn được coi là con chung của bạn và chồng trong thời kỳ hôn nhân do hai người chưa ly hôn.Chồng bạn vẫn có quyền đứng tên cha đứa bé trong giấy khai sinh.Tuy nhiên bạn cũng có thể yêu cầu toà án tuyên bố chồng bạn không phải là cha của đứa trẻ trước khi làm thủ tục khai sinh cho con. Sau khi có bản án của Tòa xác định người chồng không phải là cha của con bạn thì trong Giấy khai sinh của con bạn sẽ không có tên chồng bạn. Bạn có thể khai sinh cho bé theo họ của mình.

3. Thủ tục khai sinh cho con với người khác khi chưa ly hôn chồng cũ:

Vấn đề đăng ký giấy khai sinh thì hiện tại bạn và cha đứa trẻ chưa đăng ký kết hôn nên việc khai sinh sẽ do mẹ đứa trẻ đi đăng ký khai sinh và được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”

Lúc này con bạn sẽ khai sinh theo họ mẹ và để trống phần thông tin của cha ruột.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chờ đến khi làm xong thủ tục ly hôn với người chồng sau đó làm thủ tục nhận cha cho con bạn đối với người cha ruột và đi làm thủ tục giấy khai sinh. Khi đó, trong Giấy khai sinh của bé sẽ có cả tên của bạn và người cha ruột thực hiện thủ tục đăng ký nhận con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014:

" Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

 
>