LUẬT SƯ ĐƯỢC THAM GIA BÀO CHỮA TỪ GIAI ĐOẠN NÀO CỦA VỤ ÁN HÌNH SỰ

08/12/2024 18:55

1. Vụ án hình sự gồm những giai đoạn nào?

1. Khởi tố vụ án hình sự: Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình tố tụng hình sự. Trong giai đoạn này Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Cơ sở để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu từ khi các cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo hoặc tố giác về tội phạm và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

2. Điều tra vụ án hình sự: Sau khi khởi tố vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động điều tra hoặc các biện pháp khác nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm trong vụ án hình sự. Kết thúc điều tra cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm

3. Truy tố vụ án hình sự: Sau khi tiến hành điều tra vụ án và thu thập được các chứng cứ chứng minh tội phạm thì Viện Kiểm sát sẽ ra một trong các quyết định: Truy tố bị can; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Đây là một bước nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, kiểm tra lại toàn bộ các hoạt động điều tra cũng như các chứng cứ đã thu thập được của cơ quan có thẩm quyền để xem xét việc có đủ điều kiện đưa vụ án ra xét xử.

4. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Giai đoạn này được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện Kiểm sát chuyển sang. Kết thúc giai đoạn này Hội đồng xét xử đưa ra bản án hoặc các quyết định.

5. Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc 7 ngày kể từ ngày có Quyết định sơ thẩm nếu như có kháng cáo của bị cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì Tòa án cấp trên trực tiếp sẽ xét xử lại vụ án hoặc xét lại Quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm

6. Thi hành bản án và quyết định của Tòa án: Là giai đoạn bảo đảm cho bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án được đưa ra thi hành.

7. Giám đốc thẩm, tái thẩm: Trong trường hợp phát hiện sai lầm về pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thì được xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

2. Luật sư được tham gia bào chữa từ giai đoạn nào của vụ án hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau:

Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

3. Bao lâu kể từ thời điểm Luật sư đăng ký bào chữa thì được cấp giấy bào chữa

Theo Khoản 4 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thủ tục đăng ký bào chữa thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy nếu không thuộc trường hợp từ chối đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án. Nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

4. Các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định Luật sư bào chữa

Theo Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các trường hợp sau đây 

  • Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  • Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Theo quy định trên thì trong các trường hợp nêu trên nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời Luật sư bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định Luật sư bào chữa cho họ.