PHÁP NHÂN CÓ QUYỀN LẬP DI CHÚC KHÔNG
28/12/2024 09:20
1. Pháp nhân có quyền lập di chúc không?
Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
"Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc."
Như vậy, người thừa kế không phải là cá nhân chỉ được quyền hưởng di sản theo di chúc mà không nằm trong các đối tượng được quyền lập di chúc để lại di sản cho người khác.
Theo đó đồng nghĩa với việc pháp nhân không phải đối tượng được quyền để lại di chúc mà chỉ được hưởng di sản theo di chúc.
Mặt khác tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015,luật cũng khẳng định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của pháp nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các đối tượng được lập di chúc gồm:
"1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc."
2. Điều kiện để pháp nhân được hưởng di sản theo di chúc
Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân nhận thừa kế như sau:
"Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Thời điểm pháp nhân bị coi là chấm dứt tồn tại là thời điểm mà pháp nhân bị xoá tên trong sổ đăng ký hoặc khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là đã chấm dứt tồn tại.
Ngoài ra, để pháp nhân được hưởng di chúc thì cần phải được công nhận là pháp nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự
"1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập."
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ về các loại hình doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân là loại không có tư cách pháp nhân, do chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân tự chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân cũng không thể tham gia một số quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, pháp nhân cơ quan hoặc tổ chức đó không còn tồn tại vào thời điểm di chúc phải được thực hiện thì di chúc sẽ vô hiệu toàn bộ.