BỊ XÉ GIẤY VAY TIỀN THÌ NGƯỜI CHO VAY CÓ LẤY LẠI ĐƯỢC TIỀN?

12/11/2023 18:58

Hỏi: Thưa Luật sư, nhà em vừa xảy ra việc là mẹ em cho vay tiền nhưng trong lúc đôi co với người vay thì họ đã xé tờ giấy vay tiền đó (giấy vay tiền này được viết tay có nội dung số tiền vay và thời hạn trả nợ). Vậy trường hợp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mà bên vay nợ đã cố tình xé giấy vay tiền thì bên cho vay có còn đòi được nợ không?

Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ và Đồng nghiệp xin giải đáp như sau:

1. Giấy vay tiền có được xem là giao dịch dân sự có hiệu lực?

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015:

" Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015:

"Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo đó, hình thức vay tiền thông qua giấy vay tiền viết tay thuộc giao dịch dân sự bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Giấy vay tiền viết tay làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết.

Theo quy định Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:

"Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Vậy nên, về bản chất, nếu giấy vay tiền viết tay đáp ứng đủ các điều kiện trên về mặt chủ thể, sự tự nguyện, mục đích, nội đung và hình thức theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì là một loại hợp đồng vay tài sản.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015:

"Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong hợp đồng vay tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

2. Bị xé giấy vay tiền thì người cho vay có lấy lại được tiền?

Việc bị xé giấy vay tiền có thể sẽ không ảnh hưởng đến việc bên cho vay yêu cầu bên vay trả nợ, nếu trong trường hợp bên cho vay có những tài liệu, chứng cứ ngoài giấy nợ là bên vay vẫn chưa hoàn thành việc trả nợ của mình. 

Vì theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, đối với giao dịch dân sự thì hình thức giao kết có thể bằng lời nói; bằng văn bản; hoặc bằng hành vi cụ thể. Như vậy, ngoài giấy nợ ra nếu bạn có các chứng cứ khác như đoạn ghi âm, ảnh chụp giấy nợ… thì giao dịch dân sự giữa hai bên vẫn có hiệu lực.

Cụ thể thì giao dịch dân sự cho vay giữa hai bên có thể được xác lập bằng hình thức lời nói, văn bản; hoặc hành vi cụ thể. Trong trường hợp này, giao dịch được xác lập bằng văn bản nhưng văn bản đã bị xé thì chỉ cần chủ nợ có các bằng chứng khác như đoạn ghi âm, … thì giao dịch dân sự giữa hai bên vẫn còn hiệu lực, như vậy thì bên vay vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. 

Như vậy, việc bị xé giấy nợ không hẳn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền của bên cho vay đòi nợ, nếu có các tài liệu và chứng cứ khác để chứng minh sự tồn tại của khoản nợ. Bằng cách này, bên cho vay vẫn có cơ hội yêu cầu bên vay trả nợ theo quy định pháp luật.