TỔNG HỢP CÁC ÁN LỆ VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ

26/11/2024 09:16

Công ty Luật TNHH Vũ & Đồng nghiệp sẽ cùng các bạn tìm hiểu về các Án lệ liên quan đến vấn đề thừa kế đã được Toà án nhân dân tối cao công bố

1. Án lệ 05/2016/AL về  “Tranh chấp di sản thừa kế”

Tình huống án lệ

Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.

Quy định pháp luật

Khoản 1 Điều 5 và Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.

Nội dung án lệ

Cụ Hưng chết năm 1978, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì ông Trải được hưởng 1/7 kỷ phần thừa kế của cụ Hưng. Phần tài sản ông Trải được hưởng của cụ Hưng là tài sản chung của vợ chồng ông Trải, bà Tư. Bà Tư chết năm 1980, các thừa kế của bà Tư gồm ông Trải và 03 người con của ông Trải, bà Tư trong đó có chị Phượng.

Tuy chị Phượng không phải thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hưng, cụ Ngự, nhưng là cháu nội của hai cụ và có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.

2. Án lệ 06/2016/AL về "Tranh chấp thừa kế"

Tình huống án lệ

Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó.

Quy định pháp luật

Điều 93; điểm đ khoản 1 Điều 168 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004;

Điều 676 và 685 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Nội dung án lệ

Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định. Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án. Đối với những người đang sống tại phần nhà bà Tiến bán thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm lẽ ra phải hủy quyết định sơ thẩm để giao giải quyết lại nhưng lại giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng.

3. Án lệ số 16/2017/AL về "Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng"

Tình huống án lệ

Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quy định pháp luật

Khoản 2 Điều 170, Điều 234, Điều 634, Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với khoản 2 Điều 221, Điều 223, Điều 612, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nội dung án lệ

Năm 1991, bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 trong tổng diện tích 398m2 của thửa đất trên; phần diện tích đất còn lại của thửa đất là 267,4m2. Năm 1999 bà Phùng Thị G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 267,4m2, bà Phùng Thị G cùng vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng nhà đất này. Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con. Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.

4. Án lệ số 26/2018/AL về "Xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản"

Tình huống án lệ

Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.

Quy định pháp luật

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30-8-1990.

Nội dung án lệ

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017), thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự này có hiệu lực, thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.  

Như vậy kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30-8-1990 và Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ T cho các đồng thừa kế vẫn còn theo quy định của pháp luật.

5. Án lệ số 24/2018/AL về "Di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân"

Tình huống án lệ

Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào.

Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.

Quy định pháp luật

Các điều 219, 223, 226 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với các điều 213, 218, 220 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nội dung án lệ

…nhà đất của cụ V, cụ H đã được cụ V và các thừa kế của cụ H thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà H, bà H1 và bà H2 là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ V, cụ H nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Vì vậy, bà H, bà H1, bà H2 chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ H, cụ V nữa.

6. Án lệ số 68/2023/AL về "Quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài"

Tình huống án lệ

Người để lại di sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật. Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được Tòa án giải quyết tại thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật

Quy định pháp luật

Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 để giải quyết.

Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật.

Nội dung án lệ

Như vậy, nếu bà H1 không được quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để xác định bà H1 không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế của bà H1 bao gồm nhà, đất trên diện tích 485,33m2 cho ông D và ông D thanh toán cho bà H1 giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng nhà với số tiền 15.822.058.210 đồng là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại thời điểm xét xử phúc thẩm Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Theo khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì bà H1 đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Do pháp luật thay đổi nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà H1 mới đúng.